Đặc điểm của tế bào thần kinh ở người (Nơron thần kinh)
Tế bào thần kinh (hay còn gọi là nơron) là đơn vị cơ bản cấu tạo nên các tổ chức thần kinh trong cơ thể người. Mỗi nơron thần kinh cấu tạo bao gồm một thân chính và nhiều nhánh nhỏ.
Thân tế bào thần kinh là nơi thực hiện các chức năng chính vì nó có chứa nhân và rất nhiều bào tương. Phần còn lại các các nhánh noron, thường bao gồm một sợi trục và nhiều sợi nhánh với chức năng chính là dẫn truyền xung động thần kinh. Thân tế bào thần kinh ở người có các đặc điểm giải phẫu sau:
- Thân nơron có rất nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, mỗi thân nơron thường có số lượng cũng như sự sắp xếp các nhánh thay đổi tùy thuộc vào chức năng tế bào. Thông thường, thân tế bào thần kinh có hình đa giác, mỗi góc sẽ phát ra 1 nhánh;
- Bên trong thân nơron có chứa nhân kích thước lớn, màu sáng và nhiều hạch nhân to;
- Bào tương gồm các thể Nissl, bản chất là các đám ái kiềm. Ở mức độ vi thể, thể Nissl là 1 chồng các túi lưới nội bào hạt xếp song song nhau;
- Ngoài nhân và bào tương thì trong thân tế bào thần kinh còn chứa một bộ xương tế bào cấu tạo từ các siêu ống và tơ thần kinh để liên kết với các nhánh nơron. Ngoài ra còn có các bào quan cơ bản khác của một tế bào như ty thể, bộ máy golgi.
Các nhánh tế bào thần kinh ở người có những đặc điểm sau:
- Các nhánh tế bào thần kinh thực chất là phần kéo dài của thân. Các nhánh này được chia ra thành các sợi nhánh và sợi trục. Mỗi nơron thường gồm duy nhất một sợi trục và rất nhiều sợi nhánh;
- Chức năng cơ bản của các nhánh nơron là tham gia vào quá trình vận chuyển xung động điện:
- Hướng dẫn truyền ở các sợi nhánh là hướng tâm, xung động thần kinh đi từ tận cùng sợi nhánh truyền về thân nơron.
- Ngược lại, chiều ly tâm là hướng di chuyển của xung động thần kinh ở các sợi trục, nghĩa là đi từ thân tế bào đến tận cùng sợi trục.
- Đặc điểm cấu tạo của sợi nhánh là không chứa nhân, bên trong bào tương cũng chứa nhiều siêu ống và tơ thần kinh tương tự thân tế bào. Ngoài ra, các sợi nhánh còn bao gồm các lưới nội bào hạt, lưới nội bào không hạt, các ribosome tự do và ty thể. Các sợi nhánh thường phân ra thành nhiều nhánh nhỏ hơn;
- Ngược lại, các sợi trục rất ít khi phân nhánh và vì mang chức năng dẫn truyền nên bên trong vẫn chứa các siêu ống và tơ thần kinh kèm các bào quan cơ bản khác. Điểm đặc trưng nhất của các sợi trục là tận cùng có nhiều túi nhỏ gọi là túi synap và bên ngoài thường bao bọc bởi lớp myelin;
- Tốc độ dẫn truyền xung động thần kinh tỷ lệ thuận với đường kính sợi trục và độ dày bao myelin. Bên cạnh đó, về mặt vi thể các sợi trục của các tế bào thần kinh khác nhau thường nằm chồng chéo và có tính siêu dẫn nên tốc độ dẫn truyền các xung động lại càng nhanh hơn.
- Các tế bào thần kinh chuyên biệt (nơron) được phân thành nhiều loại khác nhau như nơron đa cực, song cực hay đơn cực tùy thuộc vào số lượng ít nhiều của các sợi nhánh:
- Hầu hết các tế bào thần kinh là đa cực (một sợi trục và ít nhất hai sợi nhánh).
- Nơron song cực có thể gặp ở võng mạc mắt sẽ có một sợi trục và một sợi nhánh.
- Nơron đơn cực chưa được ghi nhận ở cơ thể người trưởng thành mà chỉ có thể tồn tại ở phôi thai vì chỉ có một sợi trục mà không có sợi nhánh. Tế bào chữ T ở hạch gai có thể xem là nơron đơn cực giả vì giữa sợi trục và sợi nhánh có một đoạn chung nên tạo cảm giác như chỉ có một cực.
3. Synap
Synap hay còn gọi là khớp thần kinh là nơi liên kết và dẫn truyền xung động điện giữa hai tế bào thần kinh khác nhau hoặc giữa một tế bào thần kinh và một tế bào cơ. Synap gồm 2 phần là tiền synap và hậu synap, ở giữa là khe synap hẹp với khoảng cách 20-30nm.
- Tiền synap thực chất là phần tận cùng của sợi trục cấu tạo gồm nhiều túi synap;
- Hậu synap là một vùng biến đổi đặc biệt của màng tế bào nơron thần kinh hoặc tế bào cơ.
Synap thần kinh được phân loại khác nhau bao gồm:
- Dựa vào vị trí liên kết giữa tiền synap và hậu synap chia thành 3 loại chính là synap trục - nhánh, synap trục - thân và synap trục - trục. Một số loại ít gặp hơn như synap nhánh - nhánh, synap nhánh - thân, synap thân - thân;
- Dựa vào chức năng synap phân thành synap hưng phấn hoặc synap ức chế;
- Dựa vào cơ chế dẫn truyền xung động là chất dẫn trung gian hóa học hay điện mà chia thành synap hóa học, synap điện và synap hỗn hợp.
4. Đặc điểm của tế bào thần kinh đệm
Tế bào thần kinh đệm là một phần của hệ thần kinh, không có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh nhưng lại có quan hệ rất chặt chẽ với các noron.
Khác với tế bào thần kinh chuyên biệt, các tế bào thần kinh đệm có khả năng sinh sản trong suốt đời sống tế bào. Đồng thời, các tế bào này cũng có nguồn gốc phôi thai học là ngoại bì phôi. Có nhiều loại tế bào thần kinh đệm khác nhau, phân chia tùy thuộc vào hệ thần kinh trung ương hay ngoại biên:
Ở hệ thần kinh ngoại biên có 2 loại:
- Tế bào vỏ bao: Thường có kích thước nhỏ, nhân tế bào hình bầu dục, sẫm màu, ít bào tương và khó quan sát dưới kính hiển vi thông thường. Tế bào vỏ bao thường có ở các hạch thần kinh;
- Tế bào Schwann: Tất cả các sợi thần kinh của hệ thần kinh ngoại biên đều có tế bào Schwann bao bọc bên ngoài. Các tế bào này hợp với các nhánh của nơron tạo thành sợi thần kinh có myelin và sợi thần kinh không myelin.
Ở hệ thần kinh trung ương có 4 loại tế bào thần kinh đệm, bao gồm:
- Tế bào sao: Thân tế bào sao thường cho ra nhiều nhánh bào tương với chức năng nâng đỡ cho hệ thần kinh trung ương;
- Tế bào ít nhánh: Ở mức vi thể, các tế bào này có kích thước nhỏ, nhân sẫm màu và có ít nhánh bào tương. Chức năng của tế bào thần kinh đệm này là tạo ra bao myelin cho các nhánh noron tương tự tế bào Schwann của hệ thần kinh ngoại biên;
- Tế bào biểu mô nội tủy: Ngăn cách lòng ống nội tủy với các não thất;
- Vi bào đệm: Chức năng chính của tế bào thần kinh đệm này là thực bào, nằm rải rác trong chất trắng và nhân xám của hệ thần kinh trung ương.
Tế bào thần kinh là đơn vị cơ bản cấu tạo nên các tổ chức thần kinh trong cơ thể người. Mỗi tế bào thần kinh cấu tạo bao gồm một thân chính và nhiều nhánh nhỏ, mỗi cơ quan tế bào đều đảm nhận những vai trò quan trọng trong hoạt động sống của con người.
>>> Tế Bào Thần kinh Là Gì - Phân Bố Tế Bào Thần Kinh Trong Cơ Thể Người ( BÀI 1 )
>>> Cấu Tạo Hệ Vận Động Cơ Xương Khớp Con Người